TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG NGƯỜI LAO ĐỘNG VỀ NƯỚC ĐÚNG QUY ĐỊNH TẠI TỈNH THANH HÓA

Năm 2015, tỉnh Thanh Hóa có 663 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS hết hạn hợp đồng lao động phải về nước. Mặc dù Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã tích cực phối hợp với các địa phương trên địa bàn triển khai công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của tỉnh Thanh Hóa vẫn ở mức cao. Theo thống kê, 8 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ này của toàn tỉnh là 42,86 %, trong đó riêng huyện Quảng Xương là 45,45%, huyện Nông Cống là 60%.

 Phát biểu tại các buổi tuyên truyền, vận động, ông Lê Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước đã giải đáp những thắc mắc của thân nhân, gia đình người lao động, những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu tham dự; đồng thời cung cấp thông tin về chương trình EPS, những quy định mới được ban hành của phía Việt Nam và Hàn Quốc như: Việc tăng cường kiểm tra và trục xuất người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó có lao động Việt Nam; việc hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước; đặc biệt là chính sách miễn xử phạt đối với người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong khoảng thời gian từ ngày 01/9 đến ngày 31/12/2015 (bao gồm cả những người lao động đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 95/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ); v.v...

Tại các buổi hội nghị, ông Lê Đình Tùng – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa và các đồng chí lãnh đạo UBND các huyện Quảng Xương, Nông Cống đều đánh giá cao những kết quả tích cực mà chương trình EPS đã mang lại cho địa phương, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt công tác tuyên truyền, vận động đến từng gia đình, yêu cầu các gia đình ký cam kết vận động con em mình về nước đúng thời hạn và những người lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhanh chóng tự nguyện về nước, mặt khác cũng sẽ xem xét việc đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và quy định của pháp luật đối với lao động bất hợp pháp để có thể giảm tỷ lệ lao động của địa phương cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.


Ảnh: Ông Lê Mạnh Hùng  – Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước phát biểu tại Hội nghị

              Trong thời gian tới, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động trực tiếp tại các địa phương có nhiều lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và nhiều lao động hết hạn hợp đồng lao động trong các tháng cuối năm 2015 và năm 2016 để tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng quy định.
Tin khác