CƠ HỘI CHO LAO ĐỘNG TRÁI PHÉP Ở HÀN QUỐC VỀ NƯỚC

Đi lao động tại Hàn Quốc từ tháng 11/2006, anh Hồ Văn Dũng SN 1984 ở Nghệ An đã có 9 năm làm lao động đóng tàu tại Hàn Quốc. Theo hợp đồng thoả thuận đến tháng 11/2012 anh Dũng phải về nước khi đáo hạn hợp đồng.

Tuy nhiên do mức lượng công nhân đóng tàu tại Hàn Quốc khá cao (khoảng 40 triệu đồng/ tháng) nên khi hết hạn hợp đồng anh Dũng đã quyết định trốn ở lại để tiếp tục làm việc chui.

Anh Dũng cho hay, “Nhiều lúc nghĩ cũng muốn về nước, nhưng một phần về bị phạt cả trăm triệu, mặt khác thấy nhiều lao động trong nước chờ 5-6 năm chưa đi lại được nên tôi dấm dứ ở lại lao động chui sang năm thứ ba”.

Thế nhưng vừa qua tình cờ lên mạng internet anh Dũng đọc được thông tin Chính phủ VN và Hàn Quốc có chính sách kêu gọi lao động quá hạn về nước sẽ được tạo điều kiện miễn phạt và được phép trở lại Hàn Quốc làm việc sau 2 năm nên anh Dũng đã tự nguyện đăng ký xin về nước.

“Có khá đông lao động Việt Nam dù hết hạn vẫn cố tình ở lại làm việc chui vì sợ về sẽ không sang lại được. Thế nhưng, với chính sách hiện nay nếu tự nguyện về nước không bị phạt và có thể được xem xét cho tích cực trong việc xin tái nhập cảnh Hàn Quốc sau 2 năm thì sẽ có khá nhiều lao động đăng ký về nước”, anh Dũng cho biết.

Một lao động cũng đi làm việc tại Hàn Quốc về cho biết, “Trốn lại làm việc chui lủi tại Hàn Quốc lương cao thật nhưng khi ốm đau, em không được hưởng chế độ bảo hiểm gì mà phải bỏ tiền để đi khám và điều trị. Chi phí khám chữa bệnh ở Hàn Quốc cực kỳ đắt đỏ”.

Được biết, năm 2012 Hàn Quốc không ký lại Bản thỏa thuận về tiếp nhận lao do có quá nhiều người bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc hết hợp động mà không về nước. Từ cuối năm 2013 đến nay, Hàn Quốc mặc dù tiếp nhận lại lao động Việt Nam nhưng số người lao động được xuất cảnh rất hạn chế; chỉ ưu tiên người lao động hoàn thành hợp đồng về nước đúng thời hạn được tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, tuy tỷ lệ lao động quá hạn bỏ trốn lại làm việc tại Hàn Quốc thời gian qua có giảm nhưng số lao động bỏ trốn còn lại Hàn Quốc vẫn còn khá cao. Điều này đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh người lao động cũng như thị trường XKLĐ của VN tại Hàn Quốc.

“Trước đây cứ 2 năm VN và Hàn Quốc lại ký thỏa thuận tuyển lao động VN sang Hàn Quốc làm việc 1 lần, tuy nhiên do tỷ lệ lao động VN hết hạn hợp đồng không về nước ở mức cao nên phía Hàn Quốc chỉ đồng ý ký bản ghi nhớ đặc biệt từng năm một. Những lao động này nếu phía Hàn Quốc bắt được sẽ trục xuất về nước và sẽ cấm nhập cảnh sang Hàn Quốc trong vòng 5 năm”, ông Quỳnh cho biết và nói rõ tỷ lệ lao động bỏ trốn cần phải giảm nếu không phía Hàn Quốc sẽ không chấp nhận cho lao động VN sang làm việc tại Hàn Quốc, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường XKLĐ Việt Nam sang Hàn Quốc.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, với việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất của Bộ LĐTB&XH về việc miễn xử phạt hành chính theo Nghị định 95/CP đối với lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc tự nguyện về nước (thời gian từ ngày 1/9 đến 31/12/2015) là biện pháp cần thiết để khuyến khích người lao động tự nguyện về nước, góp phần kéo giảm tỉ lệ bỏ trốn để có cơ sở đàm phán ký kết lại thỏa thuận hợp tác lao động với Hàn Quốc.

Theo chính sách này, trong thời gian từ nay đến hết tháng 12/2015 nếu những lao động bỏ trốn ở lại Hàn Quốc tự nguyện xin về nước thì phía Hàn Quốc sẽ miễn xử phạt và thời gian cấm nhập cảnh cũng giảm xuống chỉ còn 2 năm so với 5 năm như trước đây.

(Theo Báo Vietnamnet.vn - http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/278166/co-hoi-cho-lao-dong-trai-phep-o-han-quoc-ve-nuoc.html)

Tin khác